Bất động sản xanh – xu hướng phát triển bền vững cho tương lai

Bất động sản xanh – xu hướng phát triển bền vững cho tương lai
Trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, bất động sản xanh được xem là xu hướng phát triển tất yếu cho tương lai. Việc đầu tư phát triển bất động sản xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế – xã hội. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều người sẵn sàng chi trả cao hơn để được tận hưởng một môi trường sống xanh, lành mạnh và tốt cho sức khỏe.

1.  Bất động sản xanh là gì?

Bất động sản xanh là thuật ngữ dùng để chỉ các dự án được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và mang đến không gian sống thoải mái, lành mạnh cho cộng đồng cư dân.

Bất động sản xanh là các công trình xây dựng thân thiện với môi trường

Một dự án bất động sản được chứng nhận chuẩn “xanh” phải đáp ứng các tiêu chí như: tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, bảo tồn cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đảm bảo chất lượng không khí bên trong công trình,… 

2. Nguyên tắc xây dựng bất động sản xanh

Tại thị trường Việt Nam hiện nay đang áp dụng một loạt các hệ thống chứng nhận công trình xanh như: LEED (Hoa Kỳ), BCA Green Mark (Singapore), EDGE (IFC),… Mỗi hệ thống đánh giá sẽ có sự khác biệt nhất định về các tiêu chí đặt ra nhưng nhìn chung, tất cả vẫn được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản như: 

  • Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
  • Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và năng lượng.
  • Bảo tồn tài nguyên đất đai, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
  • Giảm thiểu rác thải, khí thải độc hại ra ngoài môi trường.
  • Đảm bảo chất lượng môi trường bên trong công trình.
  • Thiết kế phù hợp, thích nghi với điều kiện khí hậu của vùng.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân. 

3. Bất động sản xanh mang đến những lợi ích gì?

Bằng cách tích hợp các giải pháp thiết kế và xây dựng bền vững, bất động sản xanh có thể mang lại một loạt các lợi ích, từ khía cạnh kinh tế, xã hội cho đến môi trường:

3.1. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường

Việc xây dựng bất động sản xanh góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong đó phải kể đến các giải pháp tiêu biểu như: 

  • Sử dụng vật liệu bền vững, có thể tái chế và thân thiện với môi trường.
  • Tận dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời,…
  • Sử dụng thiết bị tiết kiệm nước, lắp đặt hệ thống tái chế nước mưa,… 
  • Lắp đặt hệ thống xử lý rác thải, nước thải tiên tiến.
  • Trồng nhiều cây xanh, bảo tồn cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên.

Việc phát triển BĐS xanh góp phần bảo vệ môi trường

Tất cả những nỗ lực này đều góp phần tạo ra ảnh hưởng tích cực đến môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

3.2. Giải quyết khủng hoảng về năng lượng

Ngành xây dựng là một trong những ngành sản xuất tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng nhất trên thế giới. Với khoảng 50% mức tiêu thụ năng lượng và 60% nguồn tài nguyên, vật liệu, lĩnh vực này đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong đó bao gồm cả khủng hoảng về năng lượng. 

Việc xây dựng bất động sản xanh sẽ là giải pháp thiết yếu giúp giải quyết khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Các công trình này được khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời,… Bên cạnh đó, vật liệu sử dụng trong thiết kế, thi công cũng có nguồn gốc từ tự nhiên, có thể tái chế và tái sử dụng. Ngoài ra, các công trình xanh hiện nay còn được tích hợp hệ thống quản lý năng lượng thông minh, tự động giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng với chi phí năng lượng thấp hơn. 

3.3. Lợi ích về mặt kinh tế

Việc đầu tư phát triển BĐS xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế. Cụ thể, chi phí đầu tư xây dựng dự án BĐS xanh thường cao hơn công trình thông thường khoảng từ 5 – 15%. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, chi phí quản lý và vận hành BĐS xanh có thể tiết kiệm hơn từ 20 – 30% so với công trình thông thường nhờ khả năng tiết kiệm năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. 

BĐS xanh có giá trị tài sản cao hơn BĐS thông thường

Bên cạnh đó, các dự án được chứng nhận đạt tiêu chuẩn công trình xanh sẽ có giá trị thương hiệu và tài sản cao hơn. Điều này đồng nghĩa bất động sản được định giá cao hơn và có xu hướng giữ giá ổn định, mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế.

3.4. Lợi ích về mặt sức khỏe, chất lượng cuộc sống

Theo nhiều nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), ô nhiễm không khí trong nhà đóng kín còn gây hại hơn gấp 2 – 5 lần so với không khí ngoài trời. Điều này có thể gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe đối với người sử dụng công trình. 

Bất động sản xanh có thể khắc phục các vấn đề này bằng cách áp dụng nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường bên trong công trình. Chẳng hạn như: 

  • Sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên và lọc không khí hiệu quả. 
  • Sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, không chứa chất độc hại.
  • Kiến tạo nhiều không gian xanh bên trong công trình.
  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên, tạo không gian thoáng đãng, thoải mái.
  • Lắp đặt hệ thống tự động điều chỉnh điều hòa không khí, ánh sáng, độ ẩm,… 

Tất cả những giải pháp trên đây có thể góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng môi trường sống và đảm bảo sức khỏe con người. 

4. Cơ hội và thách thức cho thị trường bất động sản xanh

Khi vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng đe dọa đến sức khỏe con người, người mua nhà cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn trong việc lựa chọn không gian sống. Nếu như trước đây, các tiêu chí về vị trí, diện tích, giá bán,… thường được đặt lên hàng đầu thì người mua nhà hiện nay lại có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố “xanh” bền vững. Theo đó, các dự án có nhiều không gian xanh và môi trường sống trong lành thường được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn. 

Nhu cầu sống xanh tăng cao mở ra nhiều cơ hội cho thị trường BĐS xanh

Thực tiễn nhu cầu sống xanh ngày càng tăng cao đã mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản xanh tại Việt Nam. Một số dự án bất động sản xanh tiêu biểu tại Việt Nam hiện nay phải kể đến: khu đô thị Ecopark, khu đô thị Gamuda City, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort,…

Bên cạnh những cơ hội và tiềm năng phát triển to lớn, thị trường bất động sản xanh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức:

  • Số lượng các dự án BĐS xanh trong thực tế vẫn còn khá thấp so với nhu cầu thị trường.
  • Nhiều chủ đầu tư lo ngại về chi phí cao khi đầu tư vào BĐS xanh.
  • Thị trường Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc phát triển các công trình xanh.
  • Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ vẫn còn hạn chế.
  • Nhận thức cộng đồng về xây dựng xanh bền vững chưa cao. 

5. Giải pháp thúc đẩy phát triển BĐS xanh tại Việt Nam

Phát triển BĐS xanh là xu hướng tất yếu nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để thúc đẩy phát triển thị trường BĐS xanh, Việt Nam cần áp dụng những giải pháp đồng bộ và hiệu quả:

  • Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đánh giá: Cần xác định rõ ràng các khung tiêu chí đánh giá, quy trình thẩm định và cấp chứng nhận cho các công trình xanh bằng các con số, định lượng cụ thể. 
  • Đề ra các chính sách ưu đãi: Cần có các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, phí, lãi suất vay vốn, cấp phép,… đối với công trình xanh nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư và phát triển loại hình BĐS này. 
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về lợi ích của BĐS xanh đối với môi trường, kinh tế và xã hội. 

Giải pháp thúc đẩy phát triển BĐS xanh

  • Đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư,… nhằm tạo ra một cộng đồng chuyên gia về BĐS xanh tại Việt Nam. 
  • Hợp tác quốc tế: Hợp tác với các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực BĐS xanh để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ công nghệ đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư. 

6. Những lưu ý quan trọng cho nhà đầu tư bất động sản xanh

Bất động sản xanh đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khi mang lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường, sức khỏe và tiềm năng sinh lời hấp dẫn. Song để đầu tư một cách hiệu quả vào BĐS xanh, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một vài vấn đề sau đây: 

6.1. Xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng

Một trong những lưu ý quan trọng đối với các nhà đầu tư BĐS xanh là xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng ngay từ đầu. Với mỗi mục tiêu, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc các yếu tố khác nhau và đưa ra quyết định sao cho phù hợp. Chẳng hạn: 

  • Đối với mục tiêu đầu tư sinh lời: Nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ về khả năng tài chính và thời gian thu hồi vốn của dự án bởi BĐS xanh thường có chi phí đầu tư cao hơn so với các BĐS thông thường. 
  • Đối với mục tiêu đầu tư để ở: Nhà đầu tư sẽ cần quan tâm đến các yếu tố như: môi trường sống trong lành, thoải mái, nhiều không gian xanh, các tiện ích nội khu, công trình đáp ứng các tiêu chuẩn xanh về xây dựng,… 

6.2. Đánh giá tiềm năng dự án

Một dự án có nhiều tiềm năng phát triển sẽ mang lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận cao và giá trị gia tăng bền vững. Do đó, các nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng của mỗi dự án trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Một vài yếu tố cơ bản cần xem xét bao gồm: vị trí và quy hoạch khu vực, thông tin về chủ đầu tư, thiết kế và tiện ích, yếu tố pháp lý của dự án,…

Đánh giá tiềm năng dự án là bước quan trọng trước khi đầu tư

6.3. Lựa chọn loại hình BĐS phù hợp

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư đó chính là loại hình bất động sản xanh. Mỗi loại hình sẽ có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với mục tiêu đầu tư và khả năng tài chính của mỗi khách hàng. 

  • Căn hộ chung cư: Phù hợp với những ai yêu thích không gian sống tiện nghi, an ninh cao và cộng đồng dân cư văn minh. 
  • Nhà phố: Phù hợp với những người thích không gian sống riêng tư, tự do.
  • Biệt thự: Lựa chọn này phù hợp với những người có thu nhập cao, muốn sở hữu một không gian sống sang trọng, đẳng cấp. 

6.4. Tính toán chi phí đầu tư

Việc tính toán chi phí một cách chính xác sẽ giúp nhà đầu tư có kế hoạch tài chính hiệu quả và tránh được nhiều rủi ro. Một vài khoản chi phí cần tính toán khi đầu tư BĐS xanh bao gồm:

  • Giá thành: Bao gồm giá bán của chủ đầu tư và các khoản phí liên quan như: thuế trước bạ, phí chuyển nhượng,… 
  • Chi phí quản lý và vận hành: Hệ thống tiện ích trong các dự án công trình xanh có thể cần chi phí quản lý và vận hành cao hơn, bao gồm: phí quản lý chung cư, phí bảo vệ, phí vệ sinh môi trường,…
  • Chi phí lãi vay: Trong trường hợp vay vốn ngân hàng để đầu tư BĐS xanh, bạn sẽ cần thanh toán lãi vay hàng tháng cho ngân hàng.

6.5. Chuẩn bị nguồn tài chính hiệu quả

Để chủ động hơn trong việc thanh toán và tránh được những rủi ro tài chính, nhà đầu tư cần đảm bảo chuẩn bị nguồn vốn một cách hiệu quả. Vốn đầu tư có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như: 

  • Vốn tự có: Đây là nguồn tài chính an toàn và hiệu quả nhất, giúp bạn chủ động hơn trong việc đầu tư mà không phải chịu áp lực về lãi suất vay.
  • Vay vốn ngân hàng: Bạn có thể vay vốn ngân hàng để đầu tư BĐS xanh, tuy nhiên cần tìm hiểu kỹ về lãi suất vay, thời hạn vay và khả năng thanh toán khoản vay đúng hạn.
  • Các nguồn vốn khác: Huy động nguồn vốn từ bạn bè, người thân hoặc các nhà đầu tư khác. 

Bất động sản xanh không chỉ là giải pháp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn giúp mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng. Với tiềm năng phát triển to lớn, BĐS xanh hứa hẹn sẽ trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư. 

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình Luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi




0.47099 sec| 1031.406 kb